Trong bối cảnh nhu cầu đi lao động nước ngoài ngày càng tăng, các công ty xuất khẩu lao động cũng theo đó mọc lên ngày một nhiều, chẳng khác gì nấm sau mưa. Đáng lo ngại là giữa vô số cái tên ấy, không ít đơn vị hoạt động thiếu minh bạch, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động. Họ thu tiền rồi phớt lờ cam kết ban đầu, đẩy người lao động vào tình cảnh tiền mất, giấc mơ “xuất cảnh” cũng trở nên dang dở.
Qua bài viết dưới đây, hãy cùng chúng tôi phân tích các vấn đề pháp lý liên quan và chế tài xử lý các Công ty xuất khẩu lao động thất hứa, nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động.
1. Điều kiện để doanh nghiệp có thể kinh doanh dịch vụ đưa người đi xuất khẩu lao động
Căn cứ Điều 8 Luật người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định:
“Hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và chỉ được thực hiện bởi doanh nghiệp Việt Nam có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp”.
* Điều kiện để doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ đưa người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài:
- Có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp.
- Vốn điều lệ tối thiểu 5 tỷ đồng.
- Người đại diện theo pháp luật là công dân Việt Nam, trình độ đại học trở lên và có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động hoặc dịch vụ việc làm.
- Có đội ngũ nhân viên nghiệp vụ chuyên môn và cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đào tạo, định hướng cho người lao động.
- Có trang thông tin điện tử minh bạch, rõ ràng..
Như vậy, Chính Phủ đã quy định rất chặt chẽ về điều kiện thành lập doanh nghiệp đưa người đi xuất khẩu lao động. Việc tạo hành lang pháp lý chặt chẽ sẽ giúp các cơ quan quản lý hoạt động đưa người đi xuất khẩu lao động một cách chặt chẽ, minh bạch, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm, giảm thiểu rủi ro cho người lao động.
2, Chế tài xử lý đối với doanh nghiệp hứa hẹn đưa người lao động ra nước ngoài nhưng sau đó không thực hiện
2.1 Đối với trường hợp Doanh nghiệp không đủ điều kiện đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Trong trường hợp công ty không đủ các điều kiện để kinh doanh dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 100.000.000
đồng, cụ thể theo quy định tại điểm a khoản 2 điều 46 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định:
“2. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
a) Tổ chức tuyển chọn và thu tiền của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài khi không có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài …”.
Ngoài việc xử phạt hành chính thì doanh nghiệp còn có thể bị thu hồi Giấy phép và phải thực hiện Biện pháp khắc phục hậu quả là trả lại cho người lao động số tiền đã thu trái pháp luật và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
Bên cạnh đó, tuỳ vào tính chất, mức độ, hành vi của doanh nghiệp không có chức năng đưa người đi lao động nước ngoài mà thu tiền của người lao động, cam kết về thời gian xuất cảnh, mức lương, môi trường làm việc,… rồi không thực hiện hoặc có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, thì có thể bị xử lý theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc Điều 175 Bộ luật hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
2.2 Đối với trường hợp Doanh nghiệp đủ điều kiện đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhưng không thực hiện theo đúng cam kết
Theo quy định tại điểm đ, khoản 2 Điều 26 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định về thời gian chờ xuất cảnh sau khi người lao động trúng tuyển đi làm việc ở nước ngoài là không quá 180 ngày; trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết về thời gian chờ xuất cảnh thì phải bồi thường theo thỏa thuận và hoàn trả các chi phí mà người lao động đã chi trả.
Vậy trường hợp quá thời hạn cam kết (tối đa 180 ngày), người lao động có thể thoả thuận lại với doanh nghiệp về thời gian chờ xuất cảnh. Trường hợp người lao động không muốn thoả thuận hoặc các bên không đạt được thoả thuận thì người lao động có quyền yêu cầu doanh nghiệp hoàn trả lại các chi phí mà người lao động đã chi trả.
Trường hợp xảy ra tranh chấp không thể tự thoả thuận, các bên có thể giải quyết tranh chấp tại Toà án có thẩm quyền theo quy định của BLDS 2015.
MỌI THẮC MẮC KHÁCH HÀNG VUI LÒNG LIÊN HỆ TỚI
HOTLINE: 19006196
FB: LUATSUTHANHDAT
ZALO: 03.2518.2518
CS1: PHÒNG 201, SỐ 170 TRẦN DUY HƯNG, P.TRUNG HOÀ, Q.CẦU GIẤY, TP HÀ NỘI
CS2: PHÒNG 1936, TÒA HH4C, KĐT LINH ĐÀM, NGUYỄN HỮU THỌ, HOÀNG MAI, HÀ NỘI.