Khái niệm nhờ thu
Theo quy định Điểm a Điều 2 Quy tắc thống nhất về nhờ thu (URC 522), "Nhờ thu" có nghĩa là các ngân hàng tiếp nhận các chứng từ như đã định nghĩa ở Điều phụ 2 (b) theo đúng các chỉ thị đã nhận được để:
1. Tiến hành thu tiền và/hoặc để yêu cầu chấp nhận thanh toán, hoặc:
2. Giao các chứng từ nếu được thanh toán và/hoặc chấp nhận thanh toán và/hoặc nếu được chấp nhận thanh toán, hoặc:
3. Giao các chứng từ khi các điều kiện khác đặt ra được thực hiện.
Nhìn chung, nhờ thu là phương thức thu tiền thông qua ngân hàng, người bán sau khi hoàn thành nghĩa vụ giao hàng sẽ ký phát hối phiếu đòi tiền người mua và yêu cầu ngân hàng thu hộ số tiền ghi trên hối phiếu.
Phân loại các phương thức nhờ thu
- Nhờ thu trơn (clean collection): Là phương thức thanh toán, trong đó chứng từ nhờ thu chỉ bao gồm chứng từ tài chính, còn các chứng từ thương mại được gửi trực tiếp cho người nhập khẩu không thông qua ngân hàng.
Quy trình nhờ thu trơn như sau:

(1) Hai bên ký kết hợp đồng thương mại
(2) Người bán (người xuất khẩu) giao hàng và chứng từ hàng hóa cho người mua (người nhập khẩu).
(3) Người bán phát hành hối phiếu (séc) thanh toán chuyển cho Ngân hàng bên bán và nhờ Ngân hàng thu hộ.
(4) Ngân hàng người bán chuyển toàn bộ chứng từ thanh toán cho Ngân hàng bên mua và nhờ Ngân hàng này thu hộ ở người mua.
(5) Ngân hàng người mua yêu cầu người mua chấp nhận thanh toán hoặc thanh toán ngay hối phiếu nhờ thu.
(6) Người mua chấp nhận thanh toán hoặc thanh toán ngay hối phiếu nhờ thu.
(7) Ngân hàng người mua chuyển tiền nhờ thu hoặc hối phiếu kỳ hạn đã chấp nhận lại cho Ngân hàng bên bán.
(8) Ngân hàng bên bán chuyển tiền nhờ thu hoặc chuyển hối phiếu kỳ hạn đã được ký chấp nhận cho người bán.
- Nhờ thu kèm chứng từ (documentary collection): Là phương thức thanh toán, trong đó chứng từ gửi đi nhờ thu gồm:
(i) Chứng từ thương mại cùng chứng từ tài chính, hoặc
(ii) Chỉ chứng từ thương mại (không có chứng từ tài chính), ngân hàng thu hộ chỉ trao bộ chứng từ cho người trả tiền khi người này đã trả tiền, chấp nhận thanh toán hoặc thực hiện các điều kiện khác trong lệnh nhờ thu.
Quy trình nhờ thu kèm chứng từ:

(0) Hai bên ký kết hợp đồng thương mại.
(1) Người xuất khẩu giao hàng.
(2) Người xuất khẩu lập bộ chứng từ thanh toán (chứng từ giao hàng và hối phiếu gửi ngân hàng nhờ thu tiền).
(3) Ngân hàng xuất khẩu chuyển bộ chứng từ thanh toán cho ngân hàng thu hộ.
(4) Ngân hàng thu hộ sau khi kiểm tra, giữ bộ chứng từ hàng hóa và gửi hối phiếu đến người nhập khẩu để yêu cầu thanh toán hoặc chấp nhận thanh toán (kèm theo bản sao hóa đơn thương mại) tùy theo các loại nờ thu kèm chứng từ.
(5) Người nhập khẩu sau khi kiểm tra tùy theo thời hạn thanh toán là trả ngay hay trả sau mà tiến hành trả tiền ngay hay ký chấp nhận trả tiền hoặc từ chối trả tiền và gửi ngân hàng.
(6) Ngân hàng thu hộ chuyển giao bộ chứng từ hàng hóa cho người nhập khẩu để nhận hàng (khi ngân hàng đã nhận được sự đồng ý thanh toán của ngân hàng người nhập khẩu).
(7) Ngân hàng thu hộ chuyền tiền gửi giấy báo có hoặc hối phiếu đã chấp nhận về ngân hàng nhờ thu bên xuất khẩu; hoặc thông báo về sự từ chối và gửi lại hối phiếu bị từ chối + bộ chứng từ.
(8) Ngân hàng ủy thác tiến hành thanh toán cho người xuất khẩu; hoặc chuyển hối phiếu đã chấp nhận; hoặc thông báo về sự từ chối thanh toán của người nhập khẩu và trả lại hối phiếu cùng bộ chứng từ hàng hóa cho người xuất khẩu.
So sánh nhờ thu phiếu trơn và nhờ thu kèm chứng từ
- Căn cứ nhờ thu
+ Nhờ thu trơn: Chỉ dựa vào hối phiếu.
+ Nhờ thu kèm chứng từ: Căn cứ vào hối phiếu và bộ chứng từ.
- Cách thức tiến hành
+ Nhờ thu trơn: Nhờ thu tiền thông thường mà không kèm theo bất kì điều kiện nào của việc trả tiền.
+ Nhờ thu kèm chứng từ: Ngân hàng thu tiền và chỉ giao bộ chứng từ cho người mua để đi nhận hàng nếu người này đồng ý trả tiền hoặc chấp nhận hối phiếu.
- Khả năng thu hồi tiền và việc sử dụng trên thực tế
+ Nhờ thu phiếu trơn: Đơn giản hơn, ít được sử dụng hơn trong thanh toán xuất nhập khẩu.
+ Nhờ thu kèm chứng từ: Phức tạp hơn, khả năng thu hồi tiền cao hơn, được sử dụng nhiều hơn trong thanh toán xuất nhập khẩu.
Với những đặc điểm như trên, doanh nghiệp chỉ nên sử dụng phương pháp nhờ thu khi:
- Đã có quan hệ thương mại ổn định và uy tín với đối tác.
- Muốn tiết kiệm chi phí và đơn giản hóa thủ tục.
- Muốn kiểm soát chứng từ nhưng không muốn dùng L/C.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Vì Chân Lý Themis gửi tới quý khách hàng. Mong rằng nội dung trên sẽ giúp ích được cho quý khách hàng. Nếu quý khách hàng còn vướng mắc cần giải đáp vui lòng liên hệ cho Luật Vì Chân Lý Themis theo thông tin dưới đây.
-HN-
MỌI THẮC MẮC KHÁCH HÀNG VUI LÒNG LIÊN HỆ TỚI
HOTLINE: 03.2518.2518
FB: LUATSUTHANHDAT
ZALO: 03.2518.2518
CS1: PHÒNG 201, SỐ 17 TRẦN DUY HƯNG, PHƯỜNG TRUNG HÒA, QUẬN CẦU GIẤY, TP. HÀ NỘI.